LÀM THẾ NÀO ĐỂ LÀM CHỦ XÁC SUẤT TRONG GIAO DỊCH FOREX


Chương 1: Giới thiệu
Xác xuất của mỗi setup được xem là khả năng thành công hay kết quả được kỳ vọng với một số lượng và một khoảng thời gian nhất định. Suy cho cùng thì điều duy nhất mà người giao dịch muốn đạt được đó là nắm và làm chủ được xác xuất để từ đó tính toán và kiếm được lợi nhuận đều đặn, thua lỗ cũng là một xác xuất tự nhiên mà không ai có thể tránh khỏi dù là người giao dịch thiên tài đi chăng nữa. Không làm chủ được xác xuất, bạn sẽ lo sợ với những lệnh thua lỗ, dễ bị cảm xúc chi phối, từ đó dẫn đễn vô số những sai lầm trong giao dịch mà chắc chắn rằng tài khoản của bạn sẽ trong tình trạng báo động vào một ngày không xa.
Làm chủ được xác xuất cũng được xem như là khả năng giao dịch. Về mặt nhận thức, có nhiều người cho rằng giao dịch với thị trường forex hoặc một số thị trường khác cũng như một dạng trò chơi cá cược hay đánh bạc trong các sòng casino. Ở đó người ta luôn suy nghĩ về khả năng các trường hợp xảy ra. Với số lượng lớn người cá cược, các sòng bạc muốn thu về thật nhiều lợi nhuận từ phí đặt cược của người chơi.
Với những người giao dịch có lợi nhuận, việc làm chủ xác xuất là tất cả.
Sự khác nhau giữa những người giao dịch nghiêm túc với những con bạc đó là họ bám chắc vào những thống kê, những thống kê về các dữ liệu họ cần qua thời gian giao dịch để từ đó xây dựng nên khả năng hay xác xuất và họ biết được khả năng họ thua bao nhiêu lần, thắng bao nhiêu lần với cùng một setup, một hoàn cảnh giao dịch.
Khi chúng ta bước chân vào giới giao dịch tài chính sẽ bắt gặp vô số các bài viết về chiến thuật, chỉ báo, mô hình vào lệnh, điểm vào lệnh, điểm thoát lệnh, quản lý vốn, tâm lý, phần mềm giao dịch và nhiều thứ khác. Cuối vùng những thứ đó hợp lại với nhau để giúp bạn tạo nên những setup giao dịch mà bạn có thể làm chủ được xác xuất của chúng.












Chương 2: Stop loss (Dừng lỗ)
Lệnh dừng lỗ là lệnh đặt để giới hạn rủi ro thua lỗ của chúng ta khi thị trường đi ngược lại dự đoán.
Người ta thường không coi trọng việc đặt dừng lỗ, trên phương tiện truyền thông và mạng internet cũng rất ít những bài viết nói về vấn đề này. Một phần lý do bởi vì người ta không bao giờ thích cũng như chấp nhận việc thua lỗ, nó không tốt cho việc kinh doanh hoặc là cho chính cái tôi của họ. Nếu chúng ta còn giữ thái độ đó thì chúng ta sẽ lại mắc càng nhiều sai lầm, tuổi thọ tài khoản của bạn sẽ càng ngắn hơn.
Dĩ nhiên, bản thân tôi cũng không thích việc bị thua lỗ, không ai muốn bị mất tiền cả nhưng tôi biết chấp nhận thua lỗ. Thua lỗ là một phần trong giao dịch, những cao thủ họ có thể thử một lệnh để thăm dò thị trường. Cũng như trong binh pháp người ta gọi là thả con săn sắt bắt con cá rô.
Trong giao dịch hãy để thua lỗ một cách đúng đắn và số lượng nhỏ.
Vậy thua lỗ như thế nào thì gọi là đúng đắn và với số lượng nhỏ?
Thua lỗ đúng được xem là một phần không thể thiếu trong giao dịch và chúng ta phải hiểu nó như một xác xuất tự nhiên. Thua lỗ nhỏ chỉ sự tương đối trong tỉ lệ lời lỗ của bạn hay còn gọi risk:reward. Nếu bạn đánh với tỉ lệ lời/lỗ là 2:1 thì khi bạn lỗ, số tiền mất sẽ nhỏ hơn số tiền lời, và tỉ lệ càng cao thì số tiền bạn mất càng nhỏ. Tuy nhiên đi theo đó là tỉ lệ thắng sẽ giảm. Chúng ta cần nâng cao các kỹ năng giao dịch, phân tích để từ đó tăng khả năng chính xác khi vào lệnh và giảm dần số lệnh thua.
2.1. Stop loss ban đầu
Khả năng thắng của một giao dịch là khả năng mà thị trường sẽ đạt đến điểm take profit trước khi hít stop loss.
Stop loss có vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm một giao dịch có chất lượng. Chúng ta cần tìm được một stop loss ban đầu cho mỗi cơ hội giao dịch.
Vậy một stop loss đáng tin cậy là như thế nào?
Chẳng hạn trong một giao dịch ở vị thế mua, một stop loss đáng tin cậy là một mức giá mà thị trường khả năng cao sẽ ở trên điểm đó. Ngược lại, với lệnh bán thì stop loss tin cậy khi thị trường khả năng cao sẽ ở dưới điểm đó. Thêm nữa, một stop loss tin cậy là một stop loss mà có thể chứng minh được phân tích của chúng ta sai khi bị hít.
Chúng ta thường đặt stop loss dưới cây nến tín hiệu 1 pip (lệnh mua) hay trên cây nến tín hiệu 1 pip (lệnh bán). Đó là vì mỗi setup chúng ta dự đoán về một lực mua và lực bán, nếu stop loss bị hít nghĩa là lực mua và lực bán chúng ta dự đoán lúc đầu không còn đúng nữa.
Do đó, mà một stop loss tin cậy cũng phụ thuộc vào chất lượng của setup mà chúng ta giao dịch. Sự phân tích xu hướng thị trường và tìm setup giao dịch được giới thiệu ở các cuốn trước sẽ giúp chúng ta tìm kiếm được một setup đáng tin cậy.
Tìm kiếm một setup giao dịch tốt sẽ cho chúng ta điểm vào lệnh đẹp nhưng quan trọng hơn là một stop loss đáng tin cậy.
Để tìm kiếm một điểm đặt stop loss tin cậy hãy tìm những setup giao dịch chất lượng và cùng với xu hướng hiện tại.
2.2. Dời stop loss
Đối lập với những người đặt stop loss một cách bị động chẳng hạn giá đi được một khoảng thì dời stop loss ban đầu về bảo vệ vốn. Một số người giao dịch có kinh nghiệm thì dời stop loss một cách chủ động. Họ điều chỉnh stop loss căn cứ theo hành động giá mở ra sau khi họ vào lệnh để cải thiện chất lượng giao dịch của họ.
Dời stop loss được hiểu như là sự di chuyển stop loss theo cùng hướng với giao dịch của bạn. Bạn mua thì dời stop loss lên cao dần còn bán thì dời stop loss xuống thấp dần. Bạn có thể di chuyển stop loss sát điểm vào lệnh để giảm rủi ro thua lỗ và cũng có thể di chuyển stop loss để bảo vệ lợi nhuận nếu như thị trường đi ngược lại sau khi đã có một lượng lợi nhuận nhất định.
Tuy nhiên các bạn đừng bao giờ dùng công cụ trailing stop sẵn có của phần mềm MT4. Đây là một công cụ bị động và đa phần những người dùng công cụ này đều để khoảng trailing gần khiến cho stop loss rất nhanh chóng bị hít. Còn nếu bạn để xa thì thường phần lợi nhuận bạn đạt được ít hơn khi bạn để cố định mức chốt lời nào đó mà bạn muốn.
Phương pháp dời stop loss mà tôi sẽ trình bày với các bạn dựa trên việc trong quá trình giá di chuyển theo hướng có lợi cho lệnh giao dịch hiện tại của chúng ta thì chúng sẽ tiếp tục hình thành các setup khác, mà khi một setup được hình thành cũng đồng nghĩa với việc nó sẽ mở ra cho ta một điểm đặt stop loss mới. Bên cạnh đó các bạn cũng được học thêm cách dời stop loss dựa trên một vài yếu tố khác nữa.
Có một điều tôi khuyên các bạn đó là việc dời stop loss nên được thực hiện với những người giao dịch có kinh nghiệm lâu năm và đã chứng mình được khả năng giao dịch có lợi nhuận của họ. Còn với những ai chưa đủ kinh nghiệm thì tốt nhất là hãy có một mức take profit cố định và chốt lời dứt khoát, chỉ dời stop loss để bảo vệ vốn khi giá đã đi được một khoảng nhất định. Với những người giao dịch có kinh nghiệm thì mới có khả năng kiếm thêm nhiều lợi nhuận hơn từ việc dời stop loss và phân tích ngưỡng hỗ trợ, kháng cự đúng. Ngược lại với người thiếu kinh nghiệm thì việc dời stop loss thường không hiệu quả và bị hít rất nhanh sau đó.
Tuy vậy tôi sẽ giới thiệu cho các bạn một số kỹ năng dời stop loss phù hợp để các bạn luyện tập.
2.2.1. Setup hành động giá
Chúng ta đặt stop loss ban đầu dựa trên các setup hành động giá và khi hình thành các setup khác thì ta điều chỉnh stop loss của setup trước về stop loss của setup sau.
Nếu một setup mua mới được hình thành, khi chúng ta đang giữ vị thế mua thì sẽ dời stop loss hiện tại về ngay dưới setup đó nhằm giảm khoảng thua lỗ, bảo vệ lợi nhuận và ngược lại với vị thế bán thì dịch chuyển stop loss về ngay trên setup mới hình thành.
Xét trên phương diện khác có thể thấy việc dời stop loss cũng giống như việc tăng vị thế với những setup mới hình thành, ta có thể vào thêm lệnh mới và vừa bảo vệ lợi nhuận hiện tại.
Hình sau sẽ miêu tả một ví dụ về dời stop loss.


Hình 1.1: Dời stop loss theo setup hành động giá
  1. Setup giảm dần và ta vào lệnh.
  2. Stop loss ban đầu dựa vào cây nến tín hiệu.
  3. Stop loss là an toàn hơn khi đặt trên đường giới hạn của mẫu hình giảm dần. Tuy nhiên, sẽ làm tăng khoảng risk.
  4. Sau khi lệnh đã có lợi nhuận thì giá hồi nhẹ tạo mẫu hình tăng dần và tiếp đó là giảm mạnh.
  5. Nếu vẫn còn giữ lệnh thì ta có thể dời stop loss về trên đường giới hạn của mẫu hình tăng dần. Chúng ta có thể dời stop loss về ở trên cây nến giảm mạnh sau đó 1pip, nhưng cây nến này thường sẽ ít người giao dịch nên vị trí đặt stop loss ở đó là thiếu an toàn và tin cậy.
  6. Sau cú giảm mạnh giá hồi về và gần chạm stop loss điều chỉnh và đi xuống tiếp. Nếu chúng ta đặt stop loss điều chỉnh ở trên cây nến tín hiệu (nến giảm cực mạnh – không giao dịch với setup này) thì sẽ bị dính stop loss.

2.2.2. Hỗ trợ và kháng cự
Chúng ta có thể thấy sự hỗ trợ và kháng cự bởi các điểm chốt, đường trendline và vùng giằng co. Trên lý thuyết thì chúng ta có thể dời stop loss theo các mức hỗ trợ và kháng cự theo từng vị thế giao dịch, mua dời theo hỗ trợ và bán dời theo kháng cự. Nhưng về cơ bản thì các điểm chốt thứ cấp là không đáng tin cậy để dời stop loss.
Do đó, tôi khuyến khích theo các hành động giá sau để dời stop loss:
  • Điểm chốt vững bền.
  • Điểm chốt với vùng giằng co.
Phương pháp đầu tiên thì rất đơn giản khi chúng ta chỉ cần đặt stop loss dưới điểm chốt đáy vững bền 1pip với lệnh mua và trên điểm chốt đỉnh vững bền 1pip với lệnh bán.
Phương pháp thứ hai là một kỹ thuật hiệu quả hơn khi chúng ta dùng vùng giằng co để tìm những điểm chốt đáng tin cậy để đặt stop loss. Cụ thể hơn đó là, với lệnh mua chúng ta chờ cho giá hình thành nến hoàn toàn nằm trên vùng giằng co rồi sau đó đẩy stop loss lên dưới điểm chốt đáy dưới vùng giằng co. Ngược lại với lệnh bán, sau khi giá hình thành nến nằm hoàn toàn dưới vùng giằng co thì ta kéo stop loss xuống ở trên điểm chốt đỉnh của vùng giằng co.
Hình sau sẽ ví dụ cho các bạn về sự hiệu quả mà vùng giằng co đem lại cho chúng ta trong việc dời stop loss.


Hình 1.2: Dời stop loss dựa vào điểm chốt ở vùng giằng co
  1. Khi hình thành setup phá vỡ vùng giằng co thất bại, ta tiến hành giao dịch với lệnh mua.
  2. Đặt stop loss ban đầu dựa vào cây nến tín hiệu của setup.
  3. Sau khi khớp lệnh chờ mua thì 4 cây nến sau đó tạo thành một vùng giằng co, cây nến thứ tư trong vùng này là một nến xuống nên hình thành nên điểm chốt đáy, tuy nhiên điểm chốt này không nằm dưới vùng giằng co mà nằm ở trong. Do đó, ta không dời stop loss với điểm chốt này.
  4. Giá hồi về tạo đáy và xuất hiện vùng giằng co. Khi hình thành cây nến doji nằm hoàn toàn ở trên vùng giằng co thì ta điều chỉnh stop loss về điểm chốt đáy vừa mới hình thành dưới vùng giằng co.
  5. Tiếp theo lại là một vùng giằng co. Sau khi hình thành cây nến tăng nằm hoàn toàn trên vùng giằng co thì ta điều chỉnh stop loss. Ta thấy có hai đáy ở dưới vùng giằng co, ta sẽ lấy đáy nào gần vùng giằng co nhất.
2.3. Sai lầm khi đặt stop loss
Phần trên ta đã học một số cách điều chỉnh stop loss. Đó là cách đặt stop loss với risk nhỏ nhất có thể và đảm bảo cho giá có một khoảng vừa đủ và hợp lý nếu như nó đi ngược lại với vị thế của chúng ta, đảm bảo duy trì lệnh khi thị trường luôn dao động và quan trọng đó là nó có khả năng đảo chiều ngược lại với vị thế của chúng ta khi bị dính stop loss.
Trong giao dịch thực tế, nếu ta không dời stop loss một cách kỹ thuật mà chỉ đặt stop loss quá gần thì dường như chắc chắc stop loss đó sẽ bị hít. Vì vậy, khoảng stop loss và khả năng dính stop loss là hai đại lượng tỉ lệ nghịch với nhau.
Thông thường, những người thiếu kinh nghiệm, yếu tâm lý thì khi lệnh của họ có một lợi nhuận nhất định thì lập tức điều chỉnh stop loss một cách thiếu kỷ luật để nhằm bảo vệ lợi nhuận, nhưng sau đó không lâu stop loss sẽ bị hít, sau khi lệnh bị thoát thì giá lại di chuyển theo hướng có lợi cho vị thế trước đó của họ. Vậy là họ lại xuýt xoa tiếc nuối.
Đặt stop loss và điều chỉnh nó chỉ có hai dạng nhà đầu tư. Một là điều chỉnh dựa trên phân tích kỹ thuật và hai là điều chỉnh dựa vào cảm xúc. Và đương nhiên là hãy làm theo cách thứ nhất, nó giúp bạn làm chủ được tâm lý, làm chủ được lệnh giao dịch của mình.
2.4. Kiên định khi sử dụng stop loss
Nếu bạn dời stop loss theo cảm xúc thì chắc chắn là không thể nào kiên định được. Nhưng những người giao dịch sử dụng stop loss theo cách kỹ thuật cũng chưa chắc đã kiên định. Đôi khi họ đã đặt stop loss rất hợp lý nhưng khi giá quay lại gần hít stop loss thì họ lại dời stop loss đi để mong rằng giá sẽ quay lại theo hướng có lợi cho họ một lần nữa. Hoặc có thể một vài lần nào đó họ bị dính stop loss sau đó giá lại đi theo hướng có lợi khiến họ tiếc nuối nên những lần sau họ hy vọng rằng sẽ không để xảy ra những trường hợp như thế nữa. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng như thế mà sẽ có lúc thị trường thực sự đảo chiều. Khi đó họ dịch stop loss một lần thì rất có thể sẽ còn lần thứ hai, lần thứ ba và hơn nữa, thậm chí cuối cùng là bỏ luôn stop loss và chuyện cháy tài khoản là sớm muộn. Hãy học cách chấp nhận thua lỗ, đừng bao giờ ôm lệnh, nó sẽ làm cho bạn cực kỳ mệt mỏi.














2.5. Kết luận
Với một setup giao dịch, chúng ta biết được điểm vào lệnh và ra lệnh. Do đó, chúng ta chủ động biết được sẽ mất bao nhiêu tiền khi dính stop loss đó. Với những người mới bắt đầu thì họ nên có tỉ lệ lời lỗ một cách rõ ràng và đừng nên cố giữ lệnh để ăn tỉ lệ thắng cao. Với những tỉ lệ lời lỗ thấp như 1,5:1 hay 2:1 thì thường là chúng ta chỉ cần dời stop loss bảo toàn vốn là đảm bảo rồi.
Với những người giao dịch có kinh nghiệm thì họ có thể duy trì lệnh suốt một trend để thắng với tỉ lệ cao, như thế thì kỹ năng dời stop loss phải rất tốt nếu không sẽ dễ bị hít nhanh chóng.








































Chương 3: Chốt lời (Take profit)
Một mức chốt lời được đặt với mục đích thoát khỏi thị trường với một khoản lợi nhuận khi thị trường đi theo hướng mà chúng ta mong muốn.
3.1. Những cách chốt lời quan trọng khi giao dịch ngắn hạn
Với những người giao dịch ngắn hạn (trong ngày) thì có hai phương pháp chốt lời chính đó là:
- Trailing stop loss
- Đặt lệnh chốt lời.
Chúng ta sẽ không nói về trailing stop loss nữa vì nó quá đơn giản mà tập trung nói sâu về đặt lệnh chốt lời.
3.2. Tìm điểm chốt lời
3.2.1. Hỗ trợ và kháng cự
Khi thị trường tăng, giá có xu hướng bị chặn lại bởi các ngưỡng kháng cự. Do đó, với một lệnh mua, điểm chốt lời nên ở dưới ngưỡng kháng cự. Ngược lại, thị trường giảm thì giá thường bị cản bởi ngưỡng hỗ trợ nên để đặt lệnh chốt lời với lệnh bán ta nên đặt ở trên ngưỡng hỗ trợ.
Ngưỡng hỗ trợ và kháng cự hiệu quả thường là:
  • Điểm chốt.
  • Vùng giằng co.
  • Điểm cao nhất hoặc thấp nhất của phiên giao dịch.
Tại thời điểm giao dịch và xem xét đặt lệnh chốt lời có thể chúng ta sẽ có tất cả những ngưỡng hỗ trợ và kháng cự nêu ở trên vậy thì làm sao để kiếm được mức chốt lời đáng tin cậy? Đây là điểm mấu chốt mà chúng ta sẽ phải làm rõ trong phần này.
Khả năng mà thị trường chạm được đến mức chốt lời trong một lệnh mua tỉ lệ nghịch với số lượng ngưỡng kháng cự giữa điểm vào lệnh và mức chốt lời. Nếu càng nhiều ngưỡng kháng cự giữa hai điểm đó thì khả năng chạm được đến chốt lời trước dừng lỗ sẽ càng giảm.
Chẳng hạn, chúng ta đang xem xét một lệnh mua và có 5 mức kháng cự ở trên mức giá hiện tại. Ngưỡng kháng cự gần nhất là mức chốt lời đáng tin cậy nhất và cứ thế theo các ngưỡng kháng cự tiếp theo thì độ tin cậy của mức chốt lời sẽ càng giảm dần.
Ngược lại với lệnh bán, khả năng mà thị trường chạm được đến mức chốt lời tỉ lệ nghịch với số lượng ngưỡng hỗ trợ giữa điểm vào lệnh và mức chốt lời. Nếu càng nhiều ngưỡng hỗ trợ giữa hai điểm đó thì khả năng chạm được đến chốt lời trước dừng lỗ sẽ càng giảm.
Hãy tránh những vị trí mà trong khoảng giá hẹp có quá nhiều ngưỡng hỗ trợ và kháng cự vì khi đó việc phân tích sẽ trở thành một thử thách to lớn và không mang lại hiệu quả cao.
Với người giao dịch ngắn hạn, các bạn nên lưu ý các ngưỡng kháng cự và hỗ trợ trong khoảng 30 ngày gần nhất chứ đừng nên chú ý các ngưỡng quá xa so với hiện tại, nó sẽ không thật sự hiệu quả.
Sau đây sẽ là ví dụ cho các bạn về việc phân tích các ngưỡng hỗ trợ trong việc đặt một lệnh take profit tốt cho lệnh bán.

Hình 2.1: Các mức đặt take profit hợp lý
  1. Setup vùng sức ép bán để ta vào lệnh bán.
  2. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất là hợp của hai vùng giằng co gần tương đương nhau, tuy nhiên ngưỡng chốt lời này có tỉ lệ lời lỗ rất thấp.
  3. Ngưỡng hỗ trợ tiếp theo cũng là hợp của các vùng giằng co.
  4. Đây là đáy của ngày giao dịch gần nhất, ở thời điểm giao dịch thì nó đang ở phiên hiện tại nhưng khi lệnh tồn tại qua ngày sau thì nó là giá thấp nhất của phiên giao dịch trước.
  5. Ngưỡng hỗ trợ tạo bởi giá thấp nhất của hai ngày trước đó.
  6. Ngưỡng hỗ trợ tạo bởi giá thấp nhất của ba ngày trước đó.


3.2.2. Ước lượng dựa vào sự di chuyển mạnh
Việc sử dụng lệnh chốt lời dựa vào các mức hỗ trợ và kháng cự chỉ có thể thực hiện khi ta có những cơ sở về hành động giá trước đó. Giống như ví dụ trên thì ta có các vùng giằng co và mức giá thấp nhất của 3 ngày giao dịch gần đó.
Tuy nhiên, sẽ có trường hợp thị trường đi vào những vị trí mà ta không có nhiều cơ sở về hành động giá trước đó thì việc đặt chốt lời dựa vào các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự là không khả thi.
Với kỹ thuật ước lượng khoảng giá được đẩy đi mạnh, chúng ta sử dụng những sự di chuyển quan trọng của giá làm cơ sở cho việc đặt chốt lời.
Trong quá trình di chuyển, thị trường sẽ tạo ra những thời điểm mà di chuyển dứt khoát, mạnh và có một xung lượng tốt. Dựa theo đà quán tính thì rất thường xuyên, hành động giá sau này sẽ di chuyển thêm một khoảng tương đương với những sự di chuyển chất lượng trước đó.
Với lệnh mua:
  1. Tìm một loạt những cây nến tăng liên tiếp (từ 3 nến trở lên) mà trong đó chứa ít nhất là hai nến xu hướng tăng.
  2. Đo khoảng cách giữa giá mở cửa thấp nhất và giá đóng cửa cao nhất của các nến tìm được trong bước 1.
  3. Từ điểm giá đóng cửa cao nhất kéo lên trên một khoảng cách bằng với khoảng đo được ở bước 2. Từ đó, xác định được điểm chốt lời dự định.
Hình sau thể hiện một ví dụ về ước lượng điểm chốt lời dựa vào thời điểm giá di chuyển mạnh.

Hình 2.2: Các khoảng giá đi tương đương về khoảng cách
  1. Các mức giá mở cửa thấp nhất hay có thể nói là giá mở cửa của nến đầu tiên trong dãy nến tăng liên tiếp.
  2. Các mức giá đóng cửa cao nhất hay có thể nói là giá đóng cửa của nến cuối cùng trong dãy nến tăng liên tiếp.
Như vậy, ở ví dụ trên ta thấy có 3 khoảng giá di chuyển tương đương nhau, điều đó cho thấy khi đặt điểm chốt lời thì việc tham khảo thêm các khoảng giá mà thị trường di chuyển một cách dứt khoát là rất cần thiết và hữu ích.


Với lệnh bán:
  1. Tìm một loạt những cây nến giảm liên tiếp (từ 3 nến trở lên) mà trong đó chứa ít nhất là hai nến xu hướng giảm.
  2. Đo khoảng cách giữa giá mở cửa cao nhất và giá đóng cửa thấp nhất của các nến tìm được trong bước 1.
  3. Từ điểm giá đóng cửa thấp nhất kéo xuống dưới một khoảng cách bằng với khoảng đo được ở bước 2. Từ đó, xác định được điểm chốt lời dự định.
Sau đây là một ví dụ với ước lượng điểm chốt lời trong lệnh bán với những nến giảm liên tiếp.
Hình 2.3: Ước lượng chốt lời lệnh bán với khoảng di chuyển tương đương



    Giá mở cửa cao nhất hay giá mở cửa của nến đầu tiên trong dãy nến giảm.
  1. Giá đóng cửa thấp nhất hay giá đóng cửa của cây nến cuối cùng trong dãy nến giảm.
Có một số trường hợp các khoảng giá ước lượng này chồng khớp lên nhau giống như các tam giác đồng dạng vậy.

Hình 2.4: Các khoảng ước lượng trùng một đích đến
  1. 3 cây nến tăng liến tiếp là cơ sở ước lượng thứ nhất cho sự di chuyển của giá trong tương lai.
  2. 4 cây nến tăng sau đó cũng là một cơ sở để ước lượng giá đi trong tương lai.
  3. Khoảng giá ước lượng của hai dãy nến tăng liên tiếp trùng nhau về điểm đự định giá sẽ di chuyển đến trong tương lai.


Không có lý thuyết nào lý giải về cách chọn điểm chốt lời dựa trên phương pháp này. Tôi chỉ thấy nó xảy ra khá nhiều như một quy luật tự nhiên và vì vậy mà tôi giới thiệu đến cho các bạn. Bên cạnh đó cũng còn vô số những kỹ thuật ước lượng điểm chốt lời khác:
  • Fibonacci extensions
  • Kênh giá.
  • Andrew’s Pitchfork.
  • Chart pattern (vai đầu vai, hai đỉnh , hai đáy…)
Các bạn hãy để ý chúng dường như có vẻ là nhiều phương pháp khác nhau nhưng về cơ bản đều là dựa trên sự di chuyển của giá và ước lượng khoảng giá nào đó đã được hình thành.
3.2.3. Kênh giá
Kênh giá là một công cụ khá mạnh dùng để ước lượng điểm chốt lời. Để vẽ được một kênh giá rất đơn giản.
Trước tiên ta phải có được đường trendline (để vẽ được đường trendline thì chúng ta phải có 2 điểm chốt).
Sau đó ta tìm giữa 2 điểm chốt dùng để vẽ trendline điểm giá cao nhất trong xu hướng tăng hoặc điểm giá thấp nhất trong xu hướng giảm để từ điểm này chúng ta vẽ một đường song song với đường trendline. Như vậy ta được một kênh giá.

Hình 2.5: Ước lượng chốt lời dựa vào kênh giá
  1. Giá vượt lên trên đỉnh cũ xác nhận đáy thứ cấp B trở thành đáy vững bền.
  2. Tiến hành vẽ đường trendline giữa điểm bắt đầu A với đáy vững bền B.
  3. Sau khi có hai điểm vẽ trendline, Để có cơ sở vẽ kênh giá, ta tìm điểm cao nhất giữa A với B và đó là điểm C.
  4. Từ C ta vẽ một đường song song với trendline AB về phía bên phải biểu đồ và ta được kênh giá.
  5. Khu vực xuất hiện setup vào lệnh.
  6. Khoảng dự định sẽ đặt chốt lời dựa vào kênh giá.


Kênh giá cũng sẽ được điều chỉnh khi trendline điều chỉnh.

Hình 2.6: Kênh giá ban đầu

Hình 2.6: Kênh giá điều chỉnh
Hướng dẫn sử dụng kênh giá hiệu quả
Sau đây sẽ là một số chú ý hữu ích trong việc giao dịch với kênh giá.
Thông thường điểm chốt lời nên ở trong khu vực kênh giá, nếu như bạn đặt mục tiêu chốt lời vượt ra ngoài kênh giá thì phần lớn trường hợp giá không đạt được ngưỡng chốt lời của bạn hoặc là mất rất nhiều thời gian để đi đến mức giá đó. Có thể nói điểm chốt lời ngoài vùng kênh giá là không đáng tin cậy.
Với những kênh giá gần như nằm ngang thì bạn có thể xem xét chốt lời ở khoảng gấp đôi độ cao của kênh giá cũng được nhưng nên xem xét diễn biến thay đổi xung lượng của thị trường.
Những trường hợp ví dụ trên là những trường hợp rõ ràng còn lại bạn sẽ gặp một số trường hợp rối rắm, phức tạp và không phải lúc nào kênh giá cũng hoạt động hiệu quả, giống như giá có thể không đến gần đường kênh giá hoặc vượt xa khỏi đường kênh giá, nếu vượt qua đường kênh giá thì chúng ta chắc chắn được chốt lời còn khi giá không chạm đến đường kênh giá thì không thể chốt lời theo kế hoạch được thậm chí là thua lỗ.
Cũng giống như đường trendline, một kênh giá đáng tin cậy khi được hình thành từ một trend mới, nếu trend đã tồn tại lâu rồi thì khả năng đảo chiều là rất cao.
Mặc dù kênh giá là một khái niệm được tạo ra dựa trên đường trendline nhưng tôi không đề cập đến trong cuốn thứ nhất bởi vì cá nhân tôi thấy rằng kênh giá chỉ phục vụ trong một số trường hợp xác định điểm chốt lời chứ không có nhiều ý nghĩa trong việc phân tích và nhận định xu hướng thị trường, cũng như hỗ trợ vào lệnh.


    1. Thoát lệnh với dấu hiệu đảo chiều
Những kỹ thuật xác định điểm chốt lời hợp lý ở trên giúp chúng ta làm chủ được giao dịch, với các ngưỡng rủi ro và lợi nhuận rõ ràng khi vào lệnh. Ta kiên định với phân tích và đưa ra các ngưỡng giá đó để mong rằng thị trường sẽ chạm đến chốt lời trước khi hít stop loss. Với những người bắt đầu thì hãy đừng đụng chạm gì đến lệnh giao dịch sau khi đã khớp để tránh bị ảnh hưởng tâm lý. Còn đối với những người có kinh nghiệm lâu năm và khả năng đọc hành động giá tốt thì họ có thể tận dụng khả năng này nhằm giảm thiểu những lệnh đã có lời nhưng lại bị hít stop loss sau đó. Như vậy, họ có thể đóng lệnh khi giá chưa chạm take profit.
Khi ước lượng điểm chốt lời thì hành động giá trong quá khứ là cơ sở của chúng ta. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng những hành động giá đang hình thành trở nên vô nghĩa. Sự di chuyển của những hành động giá hiện tại mới là những tín hiệu sát nhất để ta xem xét có nên thoát khỏi thị trường hay không.
Do đó, câu hỏi đặt ra là nếu thị trường xuất hiện tín hiệu đảo chiều khi lệnh chưa chạm take profit thì ta có nên thoát lệnh hay không?
Điều đó phụ thuộc vào chất lượng của tín hiệu đảo chiều. Với phần lớn các tín hiệu đảo chiều đều thất bại do chúng chống lại xu hướng hiện tại. Vì vậy chỉ nên chú ý đến những tín hiệu đảo chiều cực kỳ mạnh.
3.3.1. Mẫu hình tăng dần
Mẫu hình tăng dần là dạng rất hiệu quả để bắt đỉnh bắt đáy. Khi mẫu hình tăng dần hình thành ở ngưỡng kháng cự hay hỗ trợ quan trọng thì đó là một lý do rất đáng để xem xét thoát lệnh.
Sau đây sẽ là một vài ví dụ thể hiện rằng mẫu hình tăng dần cảnh báo chúng ta dấu hiệu nên thoát lệnh sớm.

Hình 2.8: Dấu hiệu thoát lệnh với mẫu hình tăng dần
  1. Đường trendline giảm xác nhận bị phá vỡ sau khi giá vượt lên trên và hình thành xu hướng tăng (điểm chốt đáy vững bền).
  2. Vùng hợp nhất của hai vùng giằng co gần như trùng nhau cho thấy một ngưỡng kháng cự mạnh trong tương lai.
  3. Điểm chốt đỉnh vững bền này đươc hình thành bởi cây nến có bóng trên dài cũng cho thấy một sự kháng cự mạnh báo trước tại vị trí này.
  4. Sau một dãy các cây nến giảm mạnh thì giá đã đi rất xa khỏi đường trendline và hình thành nên mẫu hình tăng dần. Đây là điểm đảo chiều xu hướng nhưng chúng ta chỉ thấy điều đó khi mà thị trường đã đảo chiều rõ ràng bằng việc hình thành nên trendline tăng và phá vỡ trendline giảm chứ tại thời điểm hình thành mẫu hình tăng dần này chúng ta không đủ cơ sở để phân tích nó là dấu hiệu đảo chiều hay không.
  5. Đường trendline đứt đoạn là đường trendline tăng mới hình thành
  6. Mẫu hình tăng dần giảm rất đẹp hình thành tại vị trí có sự hỗ trợ của đường trendline và điểm chốt đáy vững bền. Cây nến cuối cùng trong mẫu hình cũng là một nến tăng nên tạo thành một setup tăng dần để chúng ta vào lệnh mua.
  7. Sau khi vào lệnh, giá vọt tăng lên trên đỉnh cũ và khi đó cũng xác nhận điểm thấp nhất trong mẫu hình tăng dần giảm trở thành điểm chốt đáy vững bền và ta điều chỉnh trendline.
  8. Giá vọt lên với những cây nến tăng mạnh liên tiếp cho ta thắng đậm với lệnh mua. Đa phần mọi người đã chốt lời với tỉ lệ 2:1, 3:1 hoặc thậm chí là 4:1, nhưng với những ai theo trường phái duy trì lệnh và tăng vị thế thì đến đây ta cần xem xét. Mẫu hình tăng dần tăng xuất hiện tại ngưỡng kháng cự rất mạnh với hợp của hai vùng giằng co cùng với điểm chốt đỉnh vững bền. Vì thế tốt nhất là ta nên đóng lệnh chốt lời.
  9. Sau đó giá giằng co thể hiện sự kháng cự và do dự của hai bên mua và bán. Cuối cùng hình thành nên setup phá vỡ giằng co thất bại và ta hoàn toàn có thể tự tin vào lệnh bán.






3.3.2. Sự trùng lặp các vùng giằng co
Trong phần ví dụ mẫu hình tăng dần ở trên, tôi cũng đề cập đến ngưỡng kháng cự mạnh của hai vùng giằng co hợp lại. Ở phần này ta nói trực tiếp vấn đề về vùng giằng co và dựa vào vùng giằng co để lưu ý tín hiệu đảo chiều (không chỉ là mẫu hình tăng dần) xảy ra tại đó.
Khi thị trường chạy đến vùng giằng co thì có thể nó vượt qua một cách dễ dàng còn không sẽ thể hiện sự chững lại tại ngưỡng kháng cự hay hỗ trợ tạo ra bởi vùng giằng co, và hơn nữa chính tại đây thị trường sẽ tiếp tục tạo ra một vài vùng giằng co nữa.
Hãy tưởng tượng trường hợp cụ thể khi chúng ta đang có một lệnh mua, giá tăng vượt qua ngưỡng kháng cự là vùng giằng co thì chúng ta không có lý do gì để thoát lệnh cả. Nhưng nếu giá giằng co trong vùng giằng co thì chúng sẽ tạo ra tập hợp nhiều vùng giằng co ngang nhau. Như vậy, một thị trường mà hình thành nên sự giằng co trong vùng giằng co thì những tín hiệu đảo chiều sẽ không rõ ràng mà nó chỉ thể hiện rằng hai bên tham gia thị trường đang do dự và khả năng giá đi lên hoặc đi xuống đều có thể. Vì thế nếu thấy giá về vùng giằng co và tạo thêm nhiều vùng giằng co khác thì tốt nhất ta nên xem xét thoát lệnh vì mọi thứ ko còn nằm trong tầm kiểm soát nữa.

Hình 2.9: Nhiều vùng giằng co ngang nhau
Ở hình trên ta thấy sau một cây nến giảm cực mạnh thì thị trường đã đứng lại và tạo ra hai vùng giằng co rồi tăng nhẹ, sự tăng nhẹ này như một sóng hồi trong xu hướng giảm rồi sau đó tiếp tục giảm nhưng có thể thấy là sự giảm này không còn mạnh như trước và tạo ra thêm một số vùng giằng co khác ở vị trí tương đương hai vùng giằng co ban đầu. Chúng ta hãy xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Hình 2.10: Thị trường đảo chiều từ vị trí vùng giằng co


3.4. Ví dụ về đặt chốt lời
Ta sẽ đi qua một vài ví dụ để chứng minh sự cần thiết khi phân tích và xác định điểm chốt lời hiệu quả.
Trước khi bắt đầu hãy làm các bước sau đây:
  1. Đánh dấu ra ba vùng kháng cự gần nhất với lệnh mua và ba vùng hỗ trợ gần nhất tương ứng với lệnh bán. Thêm cả kênh giá nếu có thể.
  2. Ước lượng điểm chốt lời dựa vào sự di chuyển mạnh.
  3. Tìm vùng giao nhau giữa nhiều điểm chốt lời nhất.
Trong quá trình ước lượng điểm chốt lời, hãy tìm sự giao cắt giữa điểm chốt lời dự định với vùng hỗ trợ/kháng cự, sau đó đưa ra điểm chốt lời.
Sự giao cắt là cực kỳ quan trọng trong việc xác định điểm chốt lời, khi mà các bước xem xét cho ra những điểm chốt lời gần như tại một vị trí thì đó là điểm chốt lời cực kỳ hiệu quả. Ví dụ, có hai ước lượng điểm chốt lời dựa vào sự di chuyển mạnh cùng cho ra mức chốt lời gần tương đương nhau và nằm tại ngưỡng kháng cự của vùng giằng co, thì đó là điểm chốt lời đáng tin cậy.
Sau đây là các ví dụ.

Hình 2.11: Ước lượng điểm chốt lời trong lệnh mua
  1. Sự hình thành điểm chốt đáy vững bền cùng với hai lần tạo đỉnh thứ cấp với xung lượng tốt cho ta cơ sở tìm kiếm cơ hội mua.
  2. Sau 4 cây nến giảm, giá hồi về vùng giằng co và lập tức tạo ra cây nến tăng mạnh cho ta nến tín hiệu để vào lệnh.
  3. Lệnh mua được khớp.
  4. Khi vào lệnh ta bắt đầu xem xét điểm chốt lời, yếu tố thứ nhất đó là mô hình hai đỉnh, chắc chắn đây sẽ là ngưỡng kháng cự mạnh.
  5. Ngưỡng kháng cự tiếp theo đó là vùng giằng co, vùng này đã thể hiện sự kháng cự của của nó khi hình thành đỉnh thứ hai trong mô hình hai đỉnh nói trên.
  6. Sự ước lượng các khoảng giá di chuyển tương đương dựa trên sự di chuyển mạnh và hai khoảng này đều cho một đích giá gần tương đương nhau.
  7. Giữa hai khoảng giá tương đương thì ta nên chọn điểm gần hơn và điểm này còn ở trong vùng giằng co cho nên sẽ đáng tin cậy hơn.


Hình 2.12: Ước lượng điểm chốt lời với lệnh bán
  1. Đường trendline giảm mới hình thành.
  2. Sau khi đường trendline giảm được hình thành thì lập tức thị tường tăng điều chỉnh để hình thành nên setup tăng dần tăng.
  3. Với cây nến tín hiệu là nến giảm, ta tiến hành đặt lệnh chờ bán và được khớp ngay sau đó.
  4. Dựa vào 4 cây nến giảm liên tiếp, ta sử dụng để ước lượng khoảng giá sẽ di chuyển.
  5. Vùng giằng co với 5 cây nến.
  6. Vùng giằng co này cũng xuất hiện gần vị trí đáy cũ nên sẽ là một ngưỡng kháng cự mạnh trong tương lai.
  7. Ta thấy rằng khoảng giá ước lượng nằm trùng trong vùng giằng co và gần với đáy cũ nên đây sẽ là một điểm chốt lời đáng tin cậy.


3.5. Những lỗi khi đặt chốt lời
Chúng ta thường sẽ gặp một vài điểm chốt lời có khả thi với mỗi giao dịch. Nhưng điểm chốt lời dự tính gần nhất sẽ có độ tin cậy và chất lượng cao nhất. những điểm chốt lời xa hơn thì sẽ mất thời gian để giá đi đến và từ đó khiến chúng ta giữ lệnh lâu hơn, tệ hơn là giá chưa chạm đến take profit thì đã đảo chiều (có thể là một cú hồi sâu khiến lệnh dính stop loss hoặc là đảo chiều thật sự). Take profit xa cũng đồng nghĩa với việc giá phải vượt qua nhiều ngưỡng kháng cự, hỗ trợ và nếu đến được điểm chốt lời thì cũng sẽ phải trải qua nhiều sự dao động lên xuống.
Ngược lại, với nhiều người đặc biệt là người giao dịch ngắn hạn (trong ngày) thì họ lại cố gắng trang điểm cho kết quả giao dịch với những lệnh thua lỗ ban đầu, cố gắng tránh mọi thua lỗ tiếp theo để ngày giao dịch của họ không bị coi là thua lỗ, họ luôn muốn thắng liên tục sau đó và vì thế mà đặt điểm chốt lời quá gần (nhỏ hơn tỉ lệ 2:1). Ví dụ, một người giao dịch trong ngày bị thua lỗ 20 pip trong lệnh đầu tiên của ngày giao dịch, vì người này muốn bù đắp thật nhanh số thua lỗ đó nên lệnh sau chỉ đặt take profit là 20 pip để lấy lại vốn mà không kiên định với sự phân tích và đặt take profit khoa học.
Đó là những lỗi thường gặp khi đặt điểm chốt lời mà suy cho cùng nó cũng đến từ lòng tham lam và sự sợ hãi của con người mà thôi.


3.6. Kết luận
Tìm ra được điểm chốt lời có hiệu quả là một trong những điều kiện tạo nên thành công trong giao dịch. Về tổng quát, chúng ta có thể quan sát các ngưỡng hỗ trợ hay kháng cự để từ đó tìm ra được điểm chốt lời hợp lý.
Khi bạn đã có nhiều kinh nghiệm và trình độ đọc hành động giá lên cao thì có thể bạn thoát lệnh dựa vào tín hiệu đảo chiều chứ không phải thoát lệnh với điểm chốt lời nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn khuyến khích nên dùng take profit cùng với stop loss để cố định lệnh của mình và sau đó thì để mặc thị trường làm việc, ta không thể lúc nào cũng theo dõi thị trường để mà bắt kịp được tín hiệu đảo chiều khi nó xảy ra.
Chương 4: Tư duy về khả năng


Chúng ta đã học về cách đặt stop loss và take profit để quản lý giao dịch khi vào lệnh. Dựa vào chúng mà chúng ta xác định được tỉ lệ lời lỗ hay thắng thua. Bây giờ chúng ta sẽ nói về khả năng thắng của một lệnh.
Với những người giao dịch một cách ngẫu hứng thì họ không quan tâm lắm tới vấn đề này và đa phần chỉ muốn tỉ lệ thắng càng cao càng tốt. Khả năng thắng thua với nhiều người chỉ mang tính may rủi và không thể xác định được một cách rõ ràng và coi đó là thứ mơ hồ, viển vông. Vâng, đúng là ta không thể xác định chính xác được nhưng đã là xác xuất thì nó sẽ thể hiện ở một khoảng nào đó (chẳng hạn như khả năng thắng của các lệnh là 40-50 %). Tháng này có thể bạn thắng 60% nhưng tháng sau chỉ còn 40% thôi, nhưng xét về quãng thời gian dài và về tổng thể thì sẽ rất ổn định và nói lên được khả năng giao dịch của bạn.
Một lệnh giao dịch với một stop loss và take profit rõ ràng thì quá là đơn giản rồi nhưng vấn đề là khả năng thắng của nó là bao nhiêu và làm sao ta định lượng được?
Trong chương này, chúng ta sẽ đi tìm câu trả lời mang tính toán học về mặt xác xuất. Chúng ta sẽ giữ cho mọi thứ đơn giản và trực quan nhất có thể để các bạn dễ dàng tiếp thu.
Trước tiên ta nhắc lại và khả năng thắng của một lệnh giao dịch, đó là khả năng mà thị trường chạm đến điểm chốt lời trước khi hít stop loss.
Khi đặt một lệnh giao dịch, điểm dừng lỗ sẽ dễ dàng xác định dựa trên nến tín hiệu (hoặc có thể là đỉnh hay đáy gần nến tín hiệu). Sau đó phân tích các yếu tố để xác định điểm chốt lời và cuối cùng ta tự hỏi rằng khả năng bao nhiêu phần trăm lệnh của chúng ta sẽ chạm take profit trước khi chạm stop loss
Chúng ta sẽ nói về sự chắc chắn và không chắc chắn. Khi nào là chắc chắn và khi nào là không chắc chắn để có cách nhìn nhận đúng vấn đề
Ví dụ trong một trường hợp thực tế, bạn có kế hoạch đi Đà Lạt nghỉ mát và du lịch vào cuối tuần cùng gia đình. Tất cả mới dừng lại ở kế hoạch vậy bạn có chắc chắn là mình sẽ đi Đà Lạt vào cuối tuần không? Câu trả lời còn tùy thuộc vào hoàn cảnh. Nếu như hôm nay là ngày đầu tuần và bạn đã lên kế hoạch cụ thể, thông báo đến tất cả thành viên trong gia đình và mọi người đều đồng thuận, bạn cũng đã thuê xe và chuẩn bị đồ ăn thức uống thì khả năng đến 90% là bạn sẽ đi Đà Lạt vào cuối tuần, 10% còn lại chỉ để đề phòng những rủi ro như thời tiết, người nhà bị ốm hay một lý do bất thình lình nào đó ập đến nhưng khó xảy ra.
Chẳng hạn cuối tuần này là lễ 30/4, 1/5 nên nhu cầu thuê xe du lịch tăng cao và bạn gặp khó khăn trong việc thuê xe thì khả năng đó có thể giảm còn 70% hay 80%, bạn cho rằng dù chưa thuê được nhưng nếu dành thời gian liên hệ bạn bè, người thân thì vấn đề xe chỉ là sớm muộn thì khi đó khả năng đi Đà Lạt vẫn được coi là chắc chắn
Vậy khả năng là 51% thì sao? Nếu ranh giới chỉ là chắc chắn hay không chắc chắn thì đương nhiên là ta vẫn phải coi điều đó là chắc chắn. 50% là ranh giới và ta không xác định, nếu như khả năng xuống 49% thì khi này ta mới coi là không chắc chắn.
Trong suy nghĩ chúng ta luôn mặc định rằng điều gì đó là chắc chắn khi khả năng xảy ra phải trên 50%, từ đó chúng ta áp dụng vào trong giao dịch cũng thế. Ta nghĩ rằng khả năng thắng của một lệnh giao dịch là chắc chắn khi nó lớn hơn 50%. Tuy nhiên, các bạn nên nhớ rằng trong giao dịch chúng ta còn có tỉ lệ lời lỗ, thường thì mọi người luôn muốn tỉ lệ lời lỗ phải ít nhất là lớn hơn 1:1. Khi đó khả năng thắng của chúng ta là 50% thì tổng kết vẫn là có lời và ta nên coi nó là chắc chắn, thậm chí là khả năng chạm đến take profit trước stop loss chỉ là nhỏ hơn 50% (40% chẳng hạn) thì vẫn có thể coi là chắc chắn để mà giao dịch. Hãy tưởng tượng bạn giao dịch tất cả các lệnh với tỉ lệ đều là 2:1, 3:1 hoặc hơn nữa mà khả năng thắng là 40% thì thế nào? Bạn vẫn lời to! Chính vì suy nghĩ này mà giúp chúng ta bớt háo thắng, sẵn sàng chấp nhận thua lỗ thậm chí là thua nhiều hơn thắng. Từ đó, không để cảm xúc hay tâm lý chi phối.
Với những người mới bắt đầu, chúng ta nên tập sự kiên định và đừng vội mong rằng khả năng thắng phải thật cao để thể hiện khả năng giao dịch của mình (với nhiều người còn nghĩ rằng “mình tin là có năng khiếu với món giao dịch này”). Tỉ lệ thắng của bạn sẽ cải thiện theo thời gian. Vì vậy, tôi khuyên với những người bắt đầu thì ta nên coi khả năng thắng lệnh 40% vẫn được coi là chắc chắn.


4.1. Làm thế nào để đánh giá khả năng thắng của một lệnh
Để đánh giá chúng ta hãy xem xét theo các tiêu chí sau:
  • Sự chắc chắn về xu hướng thị trường.
  • Độ tin cậy của stop loss.
  • Độ tin cậy của take profit.
Sau đó chúng ta tự hỏi như sau:
Có chắc chắn rằng thị trường sẽ chạm đến điểm chốt lời trước dừng lỗ không?
Để trả lời, chúng ta phải dựa trên ba bước đánh giá nêu trên và trả lời có hay không. Nếu trả lời là có thì ta đánh giá khả năng thắng là 40%, ngược lại nếu câu trả lời là không thì khả năng thắng cho luôn là 0%.
Có thể bạn sẽ thất vọng khi xác định khả năng thắng chỉ được xem là 40%, đa phần mọi người muốn nó phải thật cao, 80% hay 90% gì đó chẳng hạn. Đôi khi điều này trong giao dịch là phi thực tế, các bạn hãy để ý có những trader thắng lệnh trên 90% nhưng đa phần là thắng với lợi nhuận nhỏ và không đặt stop loss, có những lệnh họ thắng rất nhanh chóng nhưng có những lệnh giá đi ngược lại với vị thế của họ và họ đành ôm lệnh để chờ giá quay lại mà không chấp nhận thua, nhưng thật không may, sẽ có những lệnh mà cả tháng, cả năm trời hoặc thậm chí là hơn mà giá sẽ không quay lại nơi họ vào lệnh và đương nhiên số vốn trong tài khoản của họ không thể chịu nổi, họ tuyệt vọng khi phải liên tục bơm tiền vào tài khoản để cứu lệnh và cũng chẳng thể nào mà bơm mãi được.
Một điều quan trọng nữa đó là khả năng thắng cao không quan trọng bằng việc bạn làm chủ được xác xuất và kiểm soát giao dịch trên một chặng đường dài, tháng này bạn thắng 60 hay 70% trong khi có những tháng có thể bạn chỉ thắng khoảng 30% lệnh nhưng tổng kết vẫn có lợi nhuận. Việc giao dịch sẽ chẳng có nghĩa gì nếu tháng này bạn thắng 90 hay thậm chí 100% nhưng tháng sau thì cháy tài khoản.
Việc không kỳ vọng thắng quá cao sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong làm chủ cảm xúc và tâm lý, mà tâm lý giao dịch là cực kỳ quan trọng. Chúng ta không nao núng khi thua lỗ liên tiếp cũng như chuẩn bị tâm lý rằng lệnh sau có thể sẽ thua khi đạt được một lệnh thắng đậm và coi điều đó là chuyện bình thường.








4.2. Kết luận
Chương này rất ngắn gọn và chủ yếu là mang tính định hướng cho các bạn có tư duy đúng về khả năng thắng thua của một lệnh giao dịch. Có hai vấn đề quan trọng cần đúc kết đó là:
Thứ nhất, khi xem xét khả năng thắng lệnh tức là xem xét khả năng lệnh của bạn chạm take profit trước khi hít stop loss và chúng ta chỉ cần kỳ vọng khả năng thắng là 40% cũng có thể xem là chắc chắn và nên giao dịch.
Thứ hai, về mặt bằng chung mà nói thì trong thực tế chúng ta ít khi thắng trên 50%. Tại vì sao, vì chúng ta giao dịch với những lệnh có khoảng chốt lời dài hơn khoảng dừng lỗ cho nên khả năng thắng là ít hơn khả năng thua, chúng ta chỉ có thể tăng khả năng thắng nhờ vào sự hỗ trợ của phân tích, nếu phân tích đúng thì nâng cao tỉ lệ thắng trong khi phân tích sai thì phải nhờ stop loss bảo vệ tài khoản của bạn. Trong giao dịch nếu bạn để tỉ lệ lời lỗ là 1:1 thì cũng chưa chắc tỉ lệ thắng là 50% vì phải chịu khoảng spread và phí qua đêm. Do đó 40% là khả năng rất thực tế nhất mà ta nên kỳ vọng.




























Chương 5: Vòng tròn phân tích


Chúng ta đã học làm cách nào để xác định xu hướng thị trường, tìm kiếm setup giao dịch và xác định điểm chốt lời phù hợp, bây giờ là lúc mà ta phải kết hợp mọi thứ lại để khi giao dịch thực tế ta có một quy trình cụ thể để phân tích.
Nhận định xu hướng thị trường luôn là bước tiên quyết, sau đó là đến tìm kiếm cơ hội giao dịch và quản lý lệnh giao dịch. Những công việc dường như có vẻ đơn giản nhưng bao hàm trong đó là nhiều yếu tố, nhiều bước cụ thể mà nếu không viết ra thì rất dễ dẫn đến việc giao dịch theo cảm tính, ngẫu hứng.
Vòng tròn phân tích tôi đưa ra sẽ bao gồm năm bước và hai mục tiêu quan trọng.

Hình 4.1: Vòng tròn phân tích


5.1. Hình thành quy tắc và chỉ dẫn
Để quản lý việc phân tích của chúng ta như là một hệ thống chặt chẽ và dần hình thành nên thói quen kỷ luật thì việc thiết lập nên những chỉ dẫn cũng như quy tắc giao dịch là vô cùng cần thiết. Vì thế cho nên việc đầu tiên trong vòng tròn phân tích phải là hình thành nên các quy tắc và chỉ dẫn giao dịch phù hợp với chúng ta.
Trong bước này của vòng tròn phân tích, mục đích chính là củng cố lại những kiến thức mà chúng ta đã học về những hành vi của thị trường cũng như là hành động giá diễn ra, để từ đó ta viết ra công thức nhằm dẫn dắt ta giao dịch theo một lối khoa học.
Trước khi bắt đầu một danh sách với những quy trình phân tích thì chúng ta phải hiểu sự khác nhau giữa quy tắc và chỉ dẫn.
Quy tắc giao dịch là không được phá vỡ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Do đó, các quy tắc sẽ thúc ép chúng ta phải vào trong một khuôn khổ của sự kỷ luật đồng thời hỗ trợ chúng ta ra quyết định một cách nhanh chóng. Lợi ích mấu chốt của quy tắc giao dịch là giúp chúng ta có sự kiên định chắc chắn trong giao dịch.
Ví dụ, bạn có một quy tắc giao dịch rằng bạn chỉ được giao dịch với những nến tín hiệu cùng hướng mà bạn dự định vào lệnh (vào lệnh mua khi nến tín hiệu là tăng và lệnh bán khi nến tín hiệu là giảm).
Chỉ dẫn giao dịch có thể bị phá vỡ tùy từng trường hợp mà ta cho rằng sự phá vỡ chỉ dẫn đó là hợp lý. Chỉ dẫn có thể coi là những nguyên tắc mà ta có thể bẻ cong nó đi. Về cơ bản, những chỉ dẫn mở ra cho ta cơ hội để áp dụng sự linh hoạt trong giao dịch và có khả năng mang lại cho chúng ta một kết quả giao dịch tốt hơn.
Ví dụ, một sự chỉ dẫn rằng setup mua chỉ nên được giao dịch nếu nó xảy ra ở ngưỡng hỗ trợ. Do đó, thông thường bạn sẽ tìm kiếm các setup mua trong một xu hướng tăng khi giá hồi về vùng hỗ trợ. Tuy nhiên, khi xu hướng thị trường rõ ràng là tăng mạnh và setup mua được thấy là rất mạnh mà tại đó không có ngưỡng hỗ trợ nào cả, lúc này bạn vẫn có thể xem xét vào lệnh dựa trên xu hướng tăng rất rõ ràng và mạnh.
Đương nhiên, những chỉ dẫn không nên bị phá vỡ quá nhiều và phá vỡ một cách vô tội vạ, thiếu cơ sở.
Không một quy tắc nào cũng như chỉ dẫn nào là tồn tại vĩnh cửu cả. Chúng có thể thay đổi, thêm vào hoặc bỏ đi. Một quy tắc có thể trở thành một chỉ dẫn và ngược lại những chỉ dẫn cũng có thể trở thành một quy tắc nếu có các điều kiện cấu thành. Tuy nhiên, sự chuyển đổi giữa quy tắc và chỉ dẫn ít khi xảy ra và không thể thực hiện một cách tùy tiện.
Vậy khi nào thì chúng ta thay đổi giữa quy tắc và chỉ dẫn?
Chúng ta hãy để vòng tròn phân tích trả lời. Trải qua các bước lặp đi lặp lại đó, chúng ta sẽ sàng lọc được những thông tin, những lý do nhằm xác định hiệu lực của các quy tắc và chỉ dẫn. Từ đó, nếu có sự thay đổi giữa quy tắc và chỉ dẫn thì chúng ta sẽ có lý do để giải thích cho điều đó chứ không phải thay đổi một cách tùy tiện và thiếu khoa học.
Mỗi cá nhân các bạn nên tạo ra cho mình những quy tắc và chỉ dẫn phù hợp với phong cách của mình dựa trên những kiến thức đã được học. Những thứ bạn học được không chỉ là các kiến thức quý giá trong cuốn sách này mà có thể là những kinh nghiệm trước giờ bạn đúc kết ra hay là những kiến thức về giao dịch khác mà bạn học từ trước đến nay.
Quy tắc và chỉ dẫn giao dịch phải phù hợp với niềm tin của bạn với thị trường và phong cách riêng của bản thân. Ví dụ, nếu bạn tin rằng chỉ giao dịch thành công trong một thị trường có xu hướng thì bạn không bao giờ giao dịch những lúc mà bạn không thấy xu hướng rõ ràng. Bạn luôn giao dịch theo xu hướng tức là chờ giá hồi về rồi vào lệnh chứ không bao giờ cố gắng bắt đáy bắt đỉnh….
Quy tắc và chỉ dẫn giao dịch luôn phải phản ánh được cấp độ kinh nghiệm và khả năng linh hoạt trong giao dịch của bạn. Sự linh hoạt hay còn gọi là làm theo tùy ý mình. Với người mới bắt đầu thì tốt nhất là nên thiết lập thật nhiều quy tắc và ít chỉ dẫn. Ngược lại với những người có nhiều kinh nghiệm thì khả năng đọc hành động giá của đã ở trình độ cao và khả năng làm tùy ý rất tốt, khi đó họ có thể hạn chế quy tắc lại và tăng chỉ dẫn lên.
Các quy tắc và chỉ dẫn nên cân bằng giữa sự khắt khe và nới lỏng để mở ra cơ hội giao dịch hơn. Một quy tắc quá chặt có thể giết chết những cơ hội giao dịch tốt, bởi vì phần lớn thời gian rất khó tìm được những cơ hội giao dịch mà đáp ứng được tất cả mọi tiêu chí chặt chẽ chúng ta mong muốn, vì vậy sự chặt chẽ và nới lỏng cần được dung hòa với nhau một cách hợp lý.


5.2. Viết ra quá trình phân tích hành động giá
Với những quy tắc và chỉ dẫn giao dịch đưa ra, chúng ta có thể bắt đầu phân tích hành động giá trong giao dịch thực tế.
Trong mục này, chúng ta sẽ khám phá và tìm hiểu cách viết ra những phân tích để luôn giữ cho ta sự tập trung, điểu khiển cảm xúc và xây dựng sự tự tin.
Cùng với các quy tắc và chỉ dẫn giao dịch, phướng pháp này giúp chúng ta duy trì sự kiên định và không bị những cảm xúc tiêu cực tác động đến việc phân tích hành động giá.
Thêm vào đó, việc viết ra những phân tích sẽ hỗ trợ các bạn trong việc lưu lại và đánh giá chất lượng sự phân tích lệnh giao dịch sau này, để từ đó tìm ra những nhược điểm, những thiếu sót và cải thiện khả năng giao dịch.


5.2.1. Hình thành lối suy nghĩ làm cơ sở cho phân tích
Trước tiên, ta hãy đi qua các quá trình cơ bản của việc phân tích hành động giá và ghi chú lại như thế nào. Sau đó, chúng ta sẽ thảo luận sâu hơn về việc sử dụng những phân tích đó trong giao dịch thật, tránh sự ảnh hưởng của cảm xúc và tự tin với lệnh giao dịch mà mình sẽ vào.
Quá trình phân tích chúng ta phải kiên định làm theo các bước rất đơn giản như sau:
  1. Xác định những điểm đáng chú ý của hành động giá hiện tại. Mô tả những gì mà bạn thấy.
  2. Hiểu được ý nghĩa đằng sau những gì mà bạn thấy: Chúng cho bạn thông tin gì. Thị trường thể hiện xung lượng mạnh hay yếu? Có thể hiện lực mua hay lực bán gì không? Có yếu tố hỗ trợ nào khác không?...
  3. Kết hợp với các hành động giá trong quá khứ. Hoàn cảnh hành động giá như thế nào? Xu hướng thị trường ra sao?
  4. Quyết định mua bán hay đứng ngoài để chờ hành động giá tiếp theo.
Tóm lại, trên đây là quá trình kết hợp giữa hành động giá ở hiện tại cùng với trong quá khứ để dự đoán hành động giá trong tương lai. Đó là quá trình tạo ra giá trị từ việc quan sát và đánh giá.
Hãy đi qua một vài ví dụ nhé.
Xung lượng giảm
  1. Xác định điểm chốt đáy thứ cấp mà hình thành nên cây nến nằm hoàn toàn dưới đáy trước nó.
  2. Qua việc xác định ở trên bạn nhận thấy rằng đó là một xung lượng giảm mạnh.
  3. Hoàn cảnh bạn đang xem xét đang ở trong xu hướng tăng.
  4. Vì là ngược xu hướng nên bạn sẽ không bán nhưng cũng không vội tìm kiếm setup mua mà chờ cho có nhiều tín hiệu cho thấy thị trường tăng trở lại xu hướng chính được mở ra.


Hợp các vùng giằng co
  1. Xác định giá di chuyển vào vùng giằng co và tiếp tục lại tạo tiếp các vùng giằng co khác tại đây. Hình thành nên hợp các vùng giằng co.
  2. Hiểu được rằng sự giằng co tại đây tức là giá đang trong ngưỡng kháng cự (hoặc là hỗ trợ) có hiệu lực.
  3. Nhận thấy thị trường hình thành nên mẫu hình tăng dần tăng và thị trường đang trong xu hướng tăng.
  4. Quyết định thoát vị thế mua mà bạn đang nắm giữ hoặc là chờ giá hồi về vùng hỗ trợ cộng với tín hiệu tăng để mua vào.


Mẫu hình giảm dần
  1. Xác định thị trường đã hình thành mẫu hình giảm dần tăng.
  2. Hiểu được điều đó có nghĩa là không nhiều người quan tâm mua lên nữa.
  3. Xem xét thấy thị trường đang trong xu hướng giảm và mẫu hình giảm dần tăng xuất hiện tại vị trí ngưỡng kháng cự tạo bởi vùng giằng co.
  4. Quyết định vào lệnh bán


Thực tế là chúng ta đã được xem qua hàng tá những ví dụ trong các cuốn sách này, đa phần hướng suy nghĩ của chúng ra nằm ở các vấn đề chính như sau:
  • Lý do vào lệnh.
  • Lý do đặt cũng như điều chỉnh stop loss và take profit.
  • Lý do thoát lệnh.
Bằng cách theo sát 4 bước nêu trên (xác định-hiểu-kết hợp-quyết định), chúng ta chắc chắn sẽ làm sáng tỏ được các hành động giá.






5.2.2. Viết ra các phân tích
Việc phân tích hành động giá là rất khác nhau giữa việc nhìn vào hành động giá hiện tại so với việc quan sát những gì đã xảy ra. Có hai khía cạnh quan trọng trong giao dịch thực tế mà việc phân tích dựa trên lịch sử giá không có được:
Khía cạnh đầu tiên là cảm xúc thật, sự chi phối của cảm xúc thật. Chúng ta có thể cảm thấy lo lắng khi giao dịch và những sự lo lắng đó có thể cực kỳ mẫu thuẫn với nhau, chẳng hạn như bạn lo sợ khi vào lệnh sẽ bị thua lỗ nhưng ngược lại thì sợ rằng nếu không vào lệnh thì có khi nào mình sẽ bỏ lỡ đợt di chuyển giá mạnh hay không? Những cảm xúc lo lắng cũng như phải quyết định một cách nhanh chóng là không thể có khi phân tích giá trong quá khứ. Trong giao dịch thực tế, những cảm xúc cùng với sự gấp rút như thế sẽ đẩy ta vào việc thấy rất nhiều cơ hội nhưng thực tế lại không như vậy. Kết quả là ta giao dịch quá nhiều, một trong những lỗi lớn nhất khi giao dịch.
Khía cạnh thứ hai đó là sự thiếu tự tin khi phân tích. Đa phần khi dạy, người ta có thể nói rất hay dựa trên những gì đã diễn ra trên biểu đồ giá. Tuy nhiên, độ tin cậy của những phân tích mà bạn đưa ra trong khi giao dịch thực tiễn còn phụ thuộc vào kinh nghiệm. Nếu bạn tự tin với những phân tích của mình, bạn sẽ không bao giờ do dự, đắn đo trong hành động khi có cơ hội. Ngược lại nếu không tự tin thì dù cơ hội bạn phân tích ra có tốt đến mấy thì bạn vẫn phân vân, nghi ngại đủ điều. Trong những trường hợp như vậy, bạn sẽ không bao giờ khai thác hết khả năng phân tích của mình.
Cách tốt nhất để xử lý những vấn đề phức tạp là viết ra quá trình phân tích của mình. Sự ghi chép lại phân tích sẽ phục vụ tốt cho các bạn sau này trong việc tổng kết và tìm ra những thiếu sót, những điểm chưa phù hợp để từ đó thay đổi cách nhìn nhận và phân tích tốt hơn.
Những vấn đề khi phân tích cần quan tâm
Khi phân tích, hãy viết ra những nhận định của mình về xu hướng thị trường. Viết ra nếu có đường trendline hỗ trợ cho xu hướng, viết ra nếu như xung lượng mạnh có cùng hướng với đường trendline. Viết ra những gì mà các setup giao dịch nói cho bạn về xu hướng thị trường.
Viết ra sự ước lượng của bạn về điểm chốt lời, cơ sở nào đưa ra điểm chốt lời đó và các yếu tố hỗ trợ.
Viết ra nếu như setup mà bạn thấy là có chất lượng tốt và giải thích được tại sao nó tốt.
Viết ra những gì khiến bạn mua và những gì khiến bạn bán.
Viết ra lý do tại sao bạn lại phá vỡ những chỉ dẫn giao dịch. Sự phá vỡ đó có phải là tùy tiện và thiếu căn cứ hay không.
Hãy viết ra tất cả những suy nghĩ của bạn về hành động mà bạn phân tích một cách thật nghiêm túc. Giống như bạn đang làm để trình lên sếp kiểm tra vậy. Nó sẽ giúp bạn phải có trách nhiệm giải thích rõ ràng những gì mà bạn đưa ra và tránh khỏi yếu tố cảm xúc hay ngẫu hứng.
Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể dùng những ký hiệu riêng, có thể viết tay hoặc đánh máy, làm sao mà tiết kiệm thời gian nhất có thể cho bạn là được, không cần phải viết ra những câu cú đầy đủ chi tiết, hay là viết thật nắn nót.
Viết ra những phân tích là một cách đơn giản và hiệu quả nhất để giúp bạn nhìn lại và đánh giá những phân tích chủ quan của bạn một cách khách quan. Đôi khi một thời điểm trước đây ta làm như thế nhưng sau đó bạn nhìn lại và không hiểu tại sao mình làm như vậy, chỉ có ghi ra quá trình phân tích và sau đó nhìn lại thì bạn mới đánh giá được cách phân tích và nhìn nhận của mình vào thời điểm đó ra sao, lúc đó bạn như một người trung lập, một người ngoài cuộc nhìn vào.
Tất cả những nhận định của chúng ta đều mang tính chủ quan, nhưng sự chủ quan đó là có căn cứ, có cơ sở. Tuy nhiên, những nhận định mang tính cảm xúc là không tốt chút nào. Bằng cách viết ra những phân tích sẽ ép chúng ta vào một khuôn khổ mà những hành động được xuất phát từ những căn cứ chắc chắn, tránh khỏi những quyết định dựa trên cảm xúc.
Chẳng hạn bạn viết ra: “xung lượng tăng đã được thể hiện bởi điểm chốt đỉnh thứ cấp gần nhất cho nên phải chờ đến khi nào xung lượng giảm giành lấy quyền kiểm soát”.
Khi đã viết ra câu trên và lúc phân tích thị trường bạn nhìn lại những dòng chữ này thì khả năng bạn vào một lệnh bán là rất thấp. Thậm chí là nếu bạn vào lệnh bán thì bạn lập tức nhận ra ngay hành động đó là ngu xuẩn, là một hành động cầu may và bị chi phối bởi cảm xúc.
giá bật ra từ đường trendline tăng với mẫu hình giảm dần giảm. Nến tín hiệu là một nến đảo chiều tăng phản ứng với vùng giằng co. Đây là một setup tốt. điểm chốt lời là vùng giao nhau giữa kênh giá với hai khoảng giá di chuyển tương đương. Chắc chắn thị trường sẽ chạm take profit trước khi hít stop loss ở dưới nến tín hiệu.”
Bạn viết ra phân tích trên và tiến hành vào lệnh mua sau đó. Thế nhưng thật trớ trêu là bạn bị hít stop loss khi mà giá đã gần chạm take profit.
Vậy có phải đó là một lệnh tồi tệ không?
Câu trả lời là KHÔNG.
Với cá nhân bạn thì có thể hơi nuối tiếc một chút nhưng chắc chắn là vẫn hài lòng về lệnh giao dịch này mặc dù đã thua lỗ.
Đó là bởi vì bạn đã làm theo kỷ luật, vào lệnh dựa trên những cơ sở vững chắc và hợp lý. Chất lượng của cơ hội giao dịch được xác định trước khi chúng ta vào lệnh chứ không phải sau khi thoát lệnh. Bạn đã kết luận đó là một setup tốt trước khi vào lệnh. Bất kể thành quả giao dịch thế nào thì nó vẫn là một lệnh giao dịch tốt, trong tự nhiên luôn có xác xuất và hãy nên nhớ rằng trong chương trước chúng ta đã xác định rằng 40% khả năng lệnh thắng thì được cho là chắc chắn. Hãy tưởng tượng bạn vào 100 lệnh và lệnh nào bạn cũng tuân thủ kỷ luật và phân tích như trên thì dù có thắng 40 lệnh thì ta vẫn có lợi nhuận thậm chí là lớn (vì thông thường những lệnh giao dịch tốt cho tỉ lệ lời:lỗ cao). Đó cũng là cách mà ta gọi là LÀM CHỦ XÁC XUẤT.
Xây dựng sự tự tin trong kỹ năng giao dịch
Viết ra những phân tích là chìa khóa để bạn tự tin trong giao dịch. Để đạt được mục tiêu này thì không những chúng ta ghi lại sự quan sát hành động giá mà còn phải đưa ra sự kỳ vọng tương đương với những gì mà ta đã đưa ra.
Viết ra những gì bạn nghĩ nó sẽ xảy ra tiếp theo hoặc kỳ vọng nó sẽ xảy ra như thế nào. Viết ra những gì có thể không xảy ra. Thậm chí nếu những điều bạn nghĩ không xảy ra mà nó vẫn xảy ra thì sẽ ứng phó như thế nào.
Viết ra những hành động giá sẽ xác nhận những gì mà bạn nghĩ ở trên cũng như sự hình thành các hành động giá xác nhận rằng đã đi ngược lại so với những gì mà bạn kỳ vọng.
Chúng ta chắc chắn không thể đúng hoàn toàn nhưng bạn sẽ đúng nếu như biết được mình sai ở đâu. Nếu chúng ta không dự tính về những khả năng mà thị trường đi ngược lại suy nghĩ của chúng ta thì rất dễ rơi vào thế bị động. Nếu bạn luôn muốn rằng tất cả những sự quan sát và phân tích hành động giá của mình phải đúng hoàn toàn thì điều đó thật nguy hiểm.
Việc viết ra những gì bạn dự đoán sẽ xảy ra tiếp theo là một bước quan trọng trong quá trình mài dũa kỹ năng giao dịch và nhận được sự tự tin trong việc đọc và phân tích hành động giá thực tế.

Bắt đầu bằng việc ghi chép lại những gì bạn quan sát được về hành động giá. Ví dụ, bạn thấy rằng giá đang di chuyển xuống gần đường trendline tăng nhưng không thể hiện được một xung lượng giảm mạnh, bạn ghi lại điều này.
Cùng với sự quan sát đó bạn cũng ghi lại những gì mà mình mong đợi thị trường sẽ diễn ra. Chẳng hạn bạn muốn giá sẽ bật ra từ đường trendline tăng, đồng thời thể hiện sự hỗ trợ rõ ràng, cùng với đó là hình thành nên một trong tám setup mà ta đã học…v.v
Sau đó bạn theo dõi hành động giá. Khi thị trường cuối cùng đã phản ứng với đường trendline, nó hình thành nên mẫu hình giảm dần giảm rồi tăng lên tạo đỉnh mới, bạn cũng ghi lại kết quả đó.
Cuối cùng bạn sẽ nhìn lại và so sánh kết quả mình mong đợi với kết quả thực tế xảy ra. Qua đó thấy được ta đã phân tích được điểm nào và khác với thực tế điểm nào, vì sao lại khác như vậy…
Cứ mỗi vòng lập đi lập lại như vậy chúng ta sẽ tìm ra những yếu điểm hay là những cách nhìn chưa đúng đắn về thị trường để thay đổi, ngày một hoàn thiện kỹ năng giao dịch hơn.
Hãy tập trung vào những điều quan trọng mà bạn đã ghi ra từ việc quan sát thị trường. Phải có kết quả mà bạn mong muốn lẫn kết quả mà bạn đạt được. Nếu không làm như thế thì sẽ rất dễ đi vào con đường sai lầm mà đôi khi chính bản thân chúng ta lại phủ nhận những gì mà mình suy nghĩ trước kia hay là mỗi lúc bạn đánh giá một sự việc là khác nhau, dẫn đến sự rối loạn và thiếu thống nhất.


5.3. Phân loại quá trình phân tích giao dịch
Đừng bao giờ bị cuốn vào việc đánh giá kết quả giao dịch mà không phân loại, sắp xếp và xem lại quá trình phân tích trước khi vào lệnh. Sự phân loại này thường là công việc mà nhiều người giao dịch thường bỏ qua.
Để phân loại phân tích giao dịch của bạn, hãy dựa theo những quy tắc và chỉ dẫn đã đưa ra trước khi phân tích. Dựa theo các quy tắc và chỉ dẫn giao dịch thì có thể chia làm 3 loại cụ thể như sau:
Loại
Tuân theo quy tắc
Tuân theo chỉ dẫn
Phá vỡ chỉ dẫn có căn cứ
Kiên định
X
Linh hoạt
Không
Chộp giật
Không
Không
Không
Không
Không
Không
X
Bảng 4.1: Các tiêu chí để phân loại giao dịch
Nếu bạn hoàn toàn tuân theo các quy tắc và chỉ dẫn thì đó là một giao dịch kiên định.
Quy tắc là bất khả xâm phạm và bất cứ khi nào bạn phá vỡ quy tắc giao dịch thì đó chỉ là những giao dịch mang tính chộp giật và thiếu kỷ luật.
Tuy nhiên, nếu ta phá vỡ một chỉ dẫn thì đó có thể là một lệnh giao dịch linh hoạt hoặc là chộp giật. Nếu bạn có thể lý giải được một cách hợp lý trong những trường hợp hành động giá đa dạng mà không thể cứng nhắc làm theo các chỉ dẫn đã đưa ra thì đó là một giao dịch mang tính chất linh hoạt. Ngược lại, nếu bạn tùy tiện phá vỡ các chỉ dẫn mà không biết vì sao mình lại làm như thế thì đó là những giao dịch mang tính chộp giật.
Ví dụ, chỉ dẫn giao dịch mà bạn đưa ra khuyên bạn chỉ nên vào lệnh mua khi mà setup giao dịch đang nằm trong vùng hỗ trợ. Tuy nhiên bạn đã giao dịch với setup mà nó chưa đến một vùng hỗ trợ nào cả bởi vì bạn nóng vội, ngày hôm nay bạn thấy mình chưa vào một lệnh nào cả và không thể kiên nhẫn chờ đợi hơn nữa, đó là một giao dịch mang tính chộp giật.
Ngược lại, nếu bạn giao dịch với setup trên khi chưa đến vùng hỗ trợ nhưng để ý thấy rằng tại đây hình thành một lúc nhiều mẫu hình và setup giao dịch (chẳng hạn như giảm dần cùng với đó là vùng sức ép). Bạn phá vỡ vì lý do đó thì đây được coi là một giao dịch mang tính chất linh hoạt.
Trong thực tế ta không thể dự liệu được hết các tình huống và chỉ dẫn cũng thế, mỗi chỉ dẫn là một tình huống cụ thể, khi ta viết chỉ dẫn đó ra là đã thể hiện được sự tập trung và kỷ luật trong giao dịch rồi, ta không cần phải ngồi cả ngày để mà nghĩ hết các chỉ dẫn nhằm không bỏ qua một cơ hội giao dịch nào. Với việc quan sát thị trường và nảy sinh một trường hợp nào đó mà bạn có thể cảm nhận và phân tích được ý nghĩa đằng sau nó, từ những phân tích đó đã đưa ra được lý do để giao dịch mà không cần chờ đến khi thị trường xảy ra đúng như những chỉ dẫn mình đã viết. Từ đó cũng mở ra nhiều cơ hội giao dịch hơn cho những người đã có kinh nghiệm và khả năng đọc hành động giá tốt.
Sự phân loại ba dạng phân tích giao dịch như trên là cực kỳ quan trọng cho việc giao dịch của chúng ta. Bằng cách học theo các giao dịch kiên định, chúng ta có thể kiểm tra được sự đúng đắn của các quy tắc và chỉ dẫn ta đặt ra. Nhìn vào nhóm giao dịch mang tính linh hoạt, chúng ta có thể đánh giá được khả năng và kỹ năng linh hoạt trong giao dịch của bản thân. Bằng cách xem lại những giao dịch mang tính chộp giật, bạn sẽ dần khắc chế được những điểm yếu của bản thân và tự nhắn nhủ rằng lần sau mình không thể phạm sai lầm đó nữa, tránh được sự chi phối của tâm lý.
Ví dụ, sau khi bạn đã chọn ra một vài giao dịch kiên định và một vài giao dịch linh hoạt để làm mẫu kiểm nghiệm thì thấy rằng các giao dịch kiên định có tỉ lệ thắng cao trong khi các giao dịch linh hoạt lại cho tỉ lệ thắng rất thấp. Vì vậy bạn kết luận rằng chỉ nên giao dịch theo khuôn khổ mà các quy tắc và chỉ đã đưa ra. Tuy nhiên, bạn cũng nên tìm ra một số lý do vì sao mà khi giao dịch linh hoạt bạn thường bị thua, từ đó bổ sung thêm vào các chỉ dẫn giao dịch của bạn.
Thêm vào đó, các giao dịch chộp giật chắc chắn đa phần là thua lỗ, do đó những giao dịch đó sẽ đe dọa đến lợi nhuận của bạn rất nhiều. Từ đó mở ra cho bạn một động lực to lớn để quyết tâm tránh khỏi những giao dịch mang tính chộp giật, và thiếu kỷ luật.
Trong quá trình phân loại các giao dịch, bạn cũng phải giữ một thái độ khách quan và thẳng thắn. Thường thường giữa các giao dịch linh hoạt và các giao dịch chộp giật dễ khiến chúng ta nhầm lẫn và phân loại không đúng. Hoặc chính cái tôi của bản thân không cho rằng giao dịch đó là chộp giật mà biện hộ rằng mình đã vào lệnh có căn cứ nào đó nhưng không nhớ rõ. Việc phân biệt giữa giao dịch linh hoạt và giao dịch chộp giật là dựa trên sự phá vỡ các chỉ dẫn có cơ sở hay không, giải thích được sự phá vỡ chỉ dẫn đó hay không.
Ví dụ, ta vẫn lấy chỉ dẫn đã nói ở trên rằng chỉ vào lệnh mua khi xuất hiện setup giao dịch tại vùng hỗ trợ. Bạn đã giao dịch mà không tuân theo chỉ dẫn này.
Lý do mà bạn đưa ra bởi vì đó một giao dịch vào lại lệnh tương đương với setup là giảm dần giảm đồng thời hình thành nên mẫu hình nến xu hướng thất bại, bãn đã thấy sự thua lỗ xảy ra khi lệnh ban đầu được vào (giả định) và bạn quyết định giao dịch vào lại lệnh. Chúng ta biết rằng vào lại lệnh luôn có độ tin cậy cao hơn so với lệnh ban đầu. Vì thế sự phá vỡ chỉ dẫn là có lý do chính đáng và bạn cũng xác định được nguyên nhân vì sao lại vào lệnh mà không theo chỉ dẫn. Đó là một lệnh linh hoạt.
Nếu như bạn không rõ câu trả lời để giải thích vì sao bạn vào lệnh mà không tuân theo chỉ dẫn thì đó chắc chắn là một lệnh giao dịch chộp giật.
Để phục vụ tốt cho quá trình phân loại thì bạn nên ghi lại thật kỹ những lý do mà khiến bạn phá vỡ sự chỉ dẫn nào đó.
Đi sâu hơn nữa là ngay bản thân chúng ta thường có một vấn đề. Chúng ta thường biện minh và tự phán ra câu trả lời cho những hành động phá vỡ chỉ dẫn của mình. Và nhiều khi theo cảm hứng của từng thời điểm, từng hoàn cảnh mà dễ công nhận những giao dịch chộp giật trở thành giao dịch linh hoạt và ngược lại.
Vậy tại sao chúng ta lại công nhận một giao dịch chộp giật trở thành một giao dịch linh hoạt?
Một lý do đó là chúng ta không muốn thừa nhận rằng đã thiếu kiên định và giao dịch theo cảm xúc, cái tôi của bạn không cho phép như thế. Do đó chúng ta có xu hướng biện minh cho những hành động của chính mình là đều có một lý do nào đó và chấp nhận xếp chúng vào với những giao dịch linh hoạt.
Một lý do khác nữa đó là may mắn là một số giao dịch chộp giật lại đem lại lợi nhuận. Bạn cảm thấy tự hào và coi như đó là một sự giao dịch linh hoạt tuyệt vời. Vì có lợi nhuận nên bạn không còn quan tâm nhiều đến lý do mình sai ở đâu? Vì sao lại vào lệnh?
Có những lúc chúng ta lại thừa nhận một giao dịch linh hoạt thành giao dịch chộp giật. Vì sao?
Một lý do phổ biến đó là lệnh giao dịch đó trở nên thua lỗ. Chúng ta không muốn thừa nhận rằng kỹ năng giao dịch của mình có vấn đề mà đẩy trách nhiệm cho rằng lúc đó ta không được tỉnh táo và quá mệt mỏi với công việc chính nên không giao dịch theo các quy tắc và chỉ dẫn đã đề ra. Bằng cách đó, bạn cũng tự bảo vệ chiến thuật giao dịch của mình, ít nhất là trong tâm trí của bạn.
Như vậy, thành quả giao dịch cũng ảnh hưởng nhất định đến việc phân loại phân tích giao dịch.
Tóm lại, chúng ta có những quy tắc và chỉ dẫn giao dịch và đã phân tích hành động giá theo những quy tắc và chỉ dẫn đó trước khi quyết định giao dịch. Sau đó sẽ xác định rằng mỗi phân tích giao dịch đó là kiên định, linh hoạt hay là chộp giật. Hãy phân loại một cách khách quan mà không quan tâm hay chịu ảnh hưởng của kết quả giao dịch.


5.4. Đánh giá lại kết quả giao dịch
Trong bước này, bạn sẽ dùng kết quả những lệnh giao dịch đã qua để đánh giá và trả lời 3 câu hỏi.
  • Bạn có giao dịch sắc sảo không?
  • Bạn nên giao dịch khối lượng bao nhiêu?
  • Bạn cải thiện giao dịch như thế nào?
Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta sẽ phải phân tích và thống kê lại nhật ký những lệnh giao dịch của chúng ta. Bạn phải tự lập cho mình một nhật ký lưu các lệnh giao dịch một cách tỉ mỉ, có thể nhờ sự hỗ trợ thống kê rất tốt của trang MQL5.com.
Sau khi đã trả lời được các câu hỏi trên, chúng ta sẽ kiểm tra lại quy tắc và chỉ dẫn giao dịch nhằm bổ sung hay chỉnh sửa cho chúng ngày một hoàn thiện hơn.
5.5. Kiểm tra, bổ sung quy tắc và chỉ dẫn giao dịch
Đây là lúc mà ta hoàn thiện vòng tròn phân tích. Mục đích cốt lõi của bước này là nhìn nhận lại những bước trước đã qua trong vòng tròn phân tích đồng thời cải thiện và chuẩn bị vũ khí mới tối tân hơn cho đợt chiến đấu với vòng tròn lặp lại lần sau.
Có hai điểm quan trọng mà bạn nên chú ý khi kiểm tra lại những quy tắc và chỉ dẫn.
Đầu tiên, đừng thay đổi quy tắc mà vấn đề chỉ tìm thấy dựa trên số ít lệnh. Cũng giống như trong khoa học thống kê, xác xuất để chứng minh tính đúng sai của một vấn đề cần lựa chọn đủ lượng mẫu có khả năng đại diện cho số đông.
Thứ hai, tránh sự thay đổi quá quyết liệt. Kiểm tra và bổ sung là làm cho các quy tắc cũng như chỉ dẫn trở nên hoàn thiện hơn chứ không thể thay đổi để giết chết cơ hội giao dịch.

5.6. Kết luận
Vòng tròn giao dịch là những việc làm phụ, giống như bạn làm công việc nhà, nội trợ còn giao dịch, vào lệnh giống như công việc chính, công việc hành chính Nhà nước vậy. Tuy nhiên, những việc phụ đó lại vô cùng quan trọng và không thể thiếu được. Nó hình thành nên bộ khung giúp chúng ta làm việc một cách kỷ luật và bài bản bất kể bạn giao dịch với chiến thuật nào, khung thời gian nào và loại thị trường nào.
Với việc bám lấy vòng tròn phân tích này và lặp đi lặp lại thì chắc chắn khả năng giao dịch của bạn sẽ ngày càng hoàn thiện và sự tự trong phân tích và giao dịch cũng càng được củng cố hơn.
Bạn có muốn tự mình tạo ra thành công trong giao dịch cho bản thân mà không cần phải có sự hỗ trợ của bậc thầy giao dịch nào không?
Bạn có muốn luôn tạo ra lợi nhuận dù thị trường luôn biến động không?
Nếu bạn muốn thì chỉ có một cách duy nhất là phải áp dụng vòng tròn phân tích vào trong giao dịch. Đừng lười nhác, đừng nghĩ rằng việc giao dịch chỉ là click chuột vào lệnh và lấy lợi nhuận. Bạn sẽ không bao giờ có lợi nhuận nếu không xem giao dịch là một nghề kiếm tiền nghiêm túc.

Không có nhận xét nào